Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Ghé tiệm bánh bèo trứ danh của Bảo Lộc

Sau nhiều năm "kinh qua" hàng loạt thương hiệu bánh bèo nổi tiếng của Huế, Quy Nhơn, Quảng Ngãi...  khi thưởng thức đĩa bánh bèo ở Bảo Lộc, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc của lần đầu thưởng thức món bánh ấy trong cái se lạnh giữa trưa.

Không chỉ người Bảo Lộc mà du khách, nhất là những người được bạn bè hay người thân mời về vùng đất này đều biết đến tiệm bánh bèo trứ danh toạ lạc ở con đường Bế Văn Đàn, nằm bên hông ngôi nhà thờ được vinh danh lớn nhất Việt Nam - nhà thờ Bảo Lộc. Nghe có vẻ dễ tìm vì địa điểm được xác định chính xác, nhưng có đi mới biết việc tìm một ngôi nhà giữa hàng trăm ngôi nhà trong hàng chục hẻm lớn, nhỏ như mê cung ở khu vực ấy không đơn giản.
Chẳng biết quán mở vào năm nào, chỉ biết cách đây 12 năm, lần đầu tiên tôi đến, quán chỉ là một căn nhà gỗ lụp xụp với vài chiếc bàn nhựa và chỉ bán duy nhất một món bánh bèo. Còn bây giờ là căn nhà hai gian bề thế, với những bộ ghế sa lông thấp bằng gỗ mang đến cảm giác sang trọng, tinh tế cùng thực đơn phong phú hơn với bún măng, bún vịt. Tuy vậy, có một thứ không đổi là tạo hình và hương vị của món bánh làm nên thương hiệu của quán - bánh bèo.
Đĩa bánh bèo của quán sẽ làm bạn ngạc nhiên khi giấu tất cả cái ngon dưới những chiếc bánh phồng tôm – một sự kết hợp vừa độc, vừa lạ thay cho những miếng da heo chiên giòn béo ngậy. Sau cảm giác ban đầu đó, bạn sẽ nhận thấy sự thú vị của việc lần giở từng chiếc bánh phồng tôm, khám phá màu vàng của đậu xanh, màu đỏ của cháy tôm, màu xanh của hành hoa nổi bật trên những chiếc bánh bèo trắng nõn, bé xinh.
Ngoài bánh phồng tôm, bạn cũng sẽ ngạc nhiên với sự xuất hiện của một nguyên liệu lạ không kém - những hạt đậu xanh chỉ được hấp vừa chín tới, đủ để đãi vỏ, đầy vun trên đĩa. Cả những chiếc bánh bèo tạo hình như chiếc nón cụt chóp với lớp vỏ bánh khá dày. Hai loại bánh, một dày một mỏng ấy vừa mềm, mịn như tan trên đầu lưỡi vừa mang cái dai nhẹ tạo cảm giác thích thú. Dọn kèm đĩa bánh là đĩa chả Huế nhỏ xinh cùng nước mắm nhạt chứa những cọng cà rốt, củ cải thanh thanh.
Với đĩa bánh như thế có rất nhiều cách thưởng thức, có người nhấm nháp cùng lúc cái mềm mịn của bánh bèo với vị thơm ngọt của chấy tôm, cái cưng cứng, tươi ngọt của đậu xanh, cái giòn lẫn chua nhẹ của cà rốt, củ cải, nhấn nhá với nước mắm pha lạt, cả việc thỉnh thoảng lại đưa đẩy miếng bánh phồng tôm thơm giòn, miếng chả thơm mềm. Có người cho hẳn bánh cùng tất cả gia vị lên phồng tôm, rồi cứ thế cảm nhận một lượt các hương vị trên. Riêng tôi, tôi dùng cả hai cách ấy để nhớ lại cảm xúc của lần đầu tiên thưởng thức loại bánh này 12 năm trước, cảm nhận hương và vị của món ăn không thay đổi theo năm tháng.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Bạo gan nếm thử chuột đồng ở Hà Nội

Có lẽ cảm giác đầu tiên của thực khách khi tới đây là sợ và phải nhắm mắt "làm liều" đưa miếng thịt vào miệng, để rồi cảm thấy món thịt chuột hóa ra không đáng sợ như mình vẫn tưởng.

Phản ứng thông thường của mọi người sẽ là đeo bộ mặt nhăn nhó, ánh mắt hoài nghi, rất đề phòng hỏi rằng: “Người ta bắt chuột ở đâu?”, “Liệu có an toàn không?”, “Trông chắc ghê lắm nhỉ? Chả dám ăn mất!”… Nhưng có lẽ đó chỉ cảm nhận rất chủ quan và tiêu cực do mọi người tưởng tượng ra, và cũng một phần do sự… thiếu hiểu biết. Còn những ai đã từng đến đây thưởng thức đặc sản thịt chuột rồi thì đều khẳng định: “Không chết được, có khi ăn rồi lần sau lại nằng nặc đòi đến nữa”.
Nhà hàng này mang tên “Chuột đồng quán” nằm trong một con hẻm trên phố Đặng Văn Ngữ, hơi khó tìm với ai không phải “thổ địa” của khu phố này. Quán trông cũng khá thẩm mỹ: rộng rãi, sạch sẽ, có sân trời thoáng đãng, thiết kế theo phong cách đồng quê với mây tre nứa. Lấy tên vậy thôi chứ quán phục vụ nhiều món như gà, vịt, cá, bò, lợn mán, lợn mường.... đủ cả, nhưng tất nhiên món "tủ" được khách hàng chuộng nhất vẫn là những món chuột độc đáo.
Nhìn vào thực đơn chuột đồng ở đây chắc nhiều người sẽ phải "loạn đao pháp". Có tới hơn 30 món khác nhau, từ hấp, nướng, xào, quay, áp chảo cho đến chả băm, giả cầy, lúc lắc, rang muối và thậm chí là lẩu. Nhưng theo nhận xét của một số khách ruột sành mồm thì có 3 món dễ được mọi người "vote" nhiều nhất, đó là chuột đồng áp chảo - cả quí anh lẫn quí cô đều thích, chuột đồng rang muối thì chị em đặc biệt mê mẩn, còn chuột đồng hấp tái chanh cực thích hợp cho cánh mày râu lai rai.
Chuột đồng áp chảo có lẽ món dễ ăn nhất. Nếu lần đầu tiên thưởng thức, không tận mắt nhìn chuột đồng để nguyên con thì có thể nhiều người sẽ nhầm lẫn mình đang được ăn món lợn sữa quay thượng hạng, bởi nó cũng béo ngậy với lớp thịt vừa mỡ màng, vừa mềm ngọt, cùng lớp bì mỏng giòn ngon tuyệt, nhưng lại có cái gì đó thơm hơn, đậm hơn và chắc thịt hơn rất nhiều. Món này nhất thiết phải ăn lúc còn nóng hổi mới ra lò, chứ nếu để nguội thì sẽ giảm giá trị đi rất nhiều.
Chuột đồng áp chảo
Thịt chuột đồng béo ngậy chẳng kém lợn sữa quay
Chuột đồng áp chảo để nguyên con
Riêng món chuột đồng rang muối thì khác, dù có để nguội bao lâu thì phần da vẫn giòn tan, lớp thịt bên trong mềm, đậm đà, thích nhất là có thể nhai xương rau ráu, ngon lành, bởi xương chuột đồng vốn đã mềm, chế biến thành món rang muối nhai lại càng đã miệng hơn. Món này hầu như chị em nào ăn một lần cũng khoái ngay.
Chuột đồng rang muối
"Chuột hấp lá chanh là món được lòng cánh đàn ông mê nhậu nhất", đó là nhận xét của anh chủ quán cùng nhiều khách hàng nam khi tới đây. Cũng dễ hiểu thôi, lai rai chén rượu rồi nhâm nhi thêm một món hấp vừa ngọt thịt vừa thơm mùi lá chanh, đó có lẽ là cái thú tuyệt vời của cánh mày râu.
Khoai lang tẩm bột chiên chấm mật ong cũng là món khiến chị em mê mẩn
Tất cả các món chuột đồng ở đây đều có mức giá trung bình là 120.000 đồng/đĩa, mỗi đĩa tương ứng khoảng 2 con chuột, không rẻ nhưng cũng không đắt so với một món đặc sản "độc" và lạ. Nhìn chung mỗi món đều có cái hay riêng, có tận hơn 30 món khác nhau nên đến nơi này, dù bạn thuộc gu ăn uống nào chắc cũng sẽ tìm được cho mình một món chuột khoái khẩu. Còn nếu vẫn "dằn vặt" với những hoài nghi thắc mắc ban đầu thì bạn sẽ được "đả đông tư tưởng" và mở mang thêm kiến thức khi nghe anh chủ quán cho biết: "Chuột đồng nhà hàng mình lấy từ các cơ sở chăn nuôi chuột trên Hòa Bình, có vậy chúng mới béo tốt mà ngon như thế chứ. Yên tâm đi, đều đã kiểm dịch đàng hoàng rồi thì bọn anh mới mở quán kinh doanh được chứ!". 
Địa chỉ: Số 77/6 ngõ 4D, Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

10 món bánh Hàn Quốc tuyệt ngon

Dưới đây là những món bánh ngon được người Hàn Quốc rất yêu thích:
1. Maejakgwa - (Bánh hoa mơ)
 
Maejakgwa là một loại bánh làm từ bột mì với muối, nước gừng và được sắt lát mỏng, cắt 1 đường ở giữa rồi cuộn vòng lại. Bánh này được chiên trong dầu, bọc nước đường và rắc hạt thông với bột quế. Tên gọi maejakgwa là từ hình dạng tương tự như chim sẻ (jak) đậu trên cây hoa mơ (maehwa).
2. Yangwa (Bánh mật ong)
Yakgwa là một loại bánh làm từ bột nhào với dầu mè, mật ong và rượu nguyên chất. Bánh được ép vào khuôn hình vuông, hay cán mỏng rồi cắt thành từng miếng vuông. Sau đó chúng được chiên trong dầu rồi nhúng mật ong. Đây là món bánh truyền thống Hàn Quốc trang tròng và ngon ngọt nhất, được làm để phục vụ cho ngày hội, những bữa tiệc hay nghi lễ.
3. Dasik (Bánh trà)
 
Dasik là một loại bánh quy làm từ bột hạt rang khô, dược thảo phương Đông hay phấn hoa với mật ong. Bột đã nhào được ép vào khuôn dasik với hình chim, hoa hoặc Hán tự. Dasik có một hương vị độc đáo hòa hợp với vị ngọt của mật ong và các thành phần khác. Bánh được gọi là "dasik", có nghĩa là trà và thức ăn, vì thường được dùng chung với trà.
4. Gyeongdan (Bánh gạo viên)
 
Gyeongdan là một loại bánh gạo làm từ bột nếp nhào với nước nóng, nặn thành hình viên tròn rồi luộc và phủ một lớp bột có vị ngọt từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Tên gọi của loại bánh này là vì nó có hình dạng như viên ngọc bích tròn (gyeongdan).
Màu sắc và hương vị của bánh phụ thuộc vào lớp bột phủ bên ngoài.
5. Jeungpyeon (Bánh gạo rượu)
 
Jeungpyeon là một loại bánh gạo được làm từ bột gạo nhào và rượu gạo, trang trí với táo tàu, hạt dẻ, hạt thông và nấm đá, sau đó hấp trong xửng. Jeungpyeon là một loại bánh thích hợp cho mùa hè vì nó được lên men với rượu nên lâu bị thiu. Nó có vị rượu rất độc đáo, vị chua nhẹ và khá mềm.
6. Songpyeon (Bánh gạo hình bán nguyệt)
 
Songpyeon là một loại bánh gạo làm từ bột gạo nhào với nước ấm và có nhân đậu xanh, hạt mè, hạt dẻ và các nguyên liệu khác, được nặn thành hình bán nguyệt rồi đem hấp. Songpyeon được dùng cho ngày Tết Chuseok (Tết Trung Thu hay lễ Tạ ơn), ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Vào đêm Chuseok, cả gia đình sẽ tập họp lại với nhau để làm songpyeon. Mọi người đều cố gắng nắn ra những cái bánh đẹp nhất vì người ta tin rằng nếu họ nắn bánh thật đẹp thì họ sẽ có một cô con gái xinh xắn.
7. Hobaktteok (Bánh bí ngô)
 
Hobaktteok là một loại bánh làm từ bột gạo với bí đỏ hấp. Tteok là loại thức ăn có công thức từ lúa gạo và lịch sử lâu đời ở Hàn Quốc. Nó được phục vụ như một món chính thay cho cơm, hoặc là món đặc biệt cho các dịp lễ và sinh nhật. Có rất nhiều loại tteok với các nguyên liệu chính khác nhau.
8. Bindaetteok (Bánh kếp đậu xanh)
 
Bindaetteok là món bánh kếp rau thơm làm từ bột đậu xanh, thịt, rau và kimchi. Nó thường được dùng thay cho món thịt chiên trong bữa ăn. Sau này, nó trở thành món ăn ngon mắt đối với binja (người nghèo), vì thế nó được gọi là "binjatteok" (bánh của dân nghèo).
9. Baekseolgi (Bánh gạo hấp)
 
Bánh Baekseolgi - baek có nghĩa là trắng, seol là tuyết và gi là bánh gạo. Do đó Baekseolgi được hiểu là bánh gạo có màu trắng và xốp như tuyết. Bánh gạo hấp Baekseolgi trước kia không phải là thứ ẩm thực ngày thường, mà chỉ có thể được thưởng thức trong những dịp lễ tết, hiếu hỉ, cúng giỗ hay đình đám. Do bánh gạo hấp Baekseolgi có màu trắng muốt, nên đây là món ăn tiêu biểu và tượng trưng cho điềm lành điềm vui.
10. Yaksik (Bánh thuốc)
 
Yaksik là món bánh ngọt làm từ gạo nếp với mật ong, nước tương, táo tào, hạt dẻ và hạt thông. Nó còn được gọi là yakbap (cơm thuốc).

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Chơi ‘ú òa’ cùng bánh canh Huế

Như trò chơi của trẻ con, tô bánh canh Huế "cút bắt" thực khách với vẻ ngoài của một tô súp với nước dùng sền sệt nhưng khi đảo nhẹ muỗng, một sự chuyển mình cực ấn tượng sẽ diễn ra. 

Tọa lạc trên đường Nguyễn Thông (quận 3), bánh canh cua bà Dạng từ lâu quen thuộc với thực khách Sài Gòn và những người mê món Huế. Quán phục vụ hàng loạt các món đặc trưng của Huế, trong đó nổi bật là món bánh canh cua với tạo hình khiến không chỉ những người đầu tiên đến quán mà cả khách quen khi đối diện đều muốn phám khá và trải nghiệm.
 Bạn sẽ không nhận biết chính xác "nội dung" món ăn...
 Nếu không dùng muỗng đảo nhẹ để "kho báu" hiện ra.
Dùng tên một trò chơi thuở bé để mô tả món ăn này không sai, bởi ngay khi đối diện với tô bánh canh nóng hổi của quán, nhiều thực khách sẽ tự hỏi mình gọi bánh canh hay gọi súp, với một tô đựng toàn nước có màu trắng đục được điểm xuyết vài giọt màu điều đỏ đậm. Thế nhưng chỉ cần dùng muỗng đảo nhẹ, bạn sẽ biết mình hay quán đều không lầm. Bởi đó là khi "kho báu" gồm lát chả cua, miếng chả lụa, phần thịt cua trắng non, những sợi bánh canh, những cọng rau răm thái nhỏ ẩn sâu dưới lớp nước dùng "ngoi lên" như trong câu chuyện cổ tích khiến bạn thích thú.
Lý giải cho việc hầu hết các nguyên liệu đều ẩn dưới nước dùng chứ không bày biện để thực khách “no mắt” như các món bánh canh hay các món có nước khác, những người sành ăn cho biết thật ra, món ăn cũng được trang trí như bình thường nhưng có nhiều nguyên nhân khiến phần trang trí "lặn"xuống dưới. Nguyên nhân cơ bản do đây là loại bánh canh chỉ nấu khi được gọi món. Thứ hai là nước dùng của món bánh canh này khá sệt nên khi chan lên trên các nguyên phụ liệu, nó nằm hẳn bên trên và phải có sự tác động của thìa hoặc muỗng mới khiến tất cả hòa lẫn vào nhau.
Ngoài điểm khác biệt về tạo hình của món ăn, bánh canh cua của quán cũng hấp dẫn thực khách với tạo hình độc, lạ của sợi bánh. Khác với bánh canh được chế biến sẵn, đóng thành khối và được bày bán ở chợ, sợi bánh canh ở đây được người nấu cắt từ miếng bột nhồi sẵn, rồi trụng với nước sôi cho vào tô. Cắt bằng tay nên không sợi nào giống sợi nào về hình dáng và kích thước. Điểm thứ hai là không được làm từ bột gạo nên sợi bánh trong đến nỗi gần như hòa lẫn vào nước dùng.
Ngoài cảm giác trơn tuột, lạ lẫm của cọng bánh, độ sệt của nước dùng, những miếng thịt cua trăng trắng, cùng màu xanh của rau răm mang đến cảm giác đang thưởng thức súp cua hơn là nước dùng của món bánh canh. 
 Quán cũng có nhiều món bánh để bạn thưởng thức...
Nhưng sau món bánh canh, món thực khách "kết đậm" là bún bò Huế.
Một tô bánh canh khó nhỏ nhắn nên thực khách thường gọi thêm vài món bánh để đầy bụng. Nhưng theo đánh giá, các loại bánh phục vụ tại quán không thật sự nổi trội và thực khách đến quán ngoài món bánh canh, còn "kết đậm" món bún bò Huế đúng vị.

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

'Điểm mặt' những quán ốc Hà thành ngon đến xuýt xoa

Những quán ốc ngon có tiếng ở Hà Nội với đủ các món như ốc luộc, ốc xào dừa, xào me hay xào sả ớt là điểm đến không thể bỏ qua cho những thực khách sành ăn.

Ốc luộc Đinh Liệt
Quán ốc luộc lá chanh Hà Trang trên phố Đinh Liệt (hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) là một địa chỉ quen thuộc của những người “nghiện” món ốc luộc dân dã. Không chỉ cuốn hút thực khách bởi những con ốc tươi ngon, to béo, thịt mềm ngọt không lẫn bùn cát mà còn bởi hương vị của bát nước chấm “ngon đến lạ lùng” khó quán nào sánh bằng. Ốc luộc thì các quán đều na ná như nhau, nhưng có làm hài lòng thực khách hay không thì phụ thuộc vào bí quyết pha nước chấm riêng của mỗi quán. Cũng là gừng, tỏi giã nhỏ với ớt, lá chanh, sả… nhưng nước mắm gừng của quán ốc Đinh Liệt lại thơm ngon và hấp dẫn hơn cả.
Hương vị thơm ngon của bát nước chấm làm nên thương hiệu ốc Đinh Liệt.
Bát nước chấm có hương thơm ngào ngạt của gừng và sả, vị ngọt của đường hòa quyện với vị mặn của mắm, vị chua cay của chanh, ớt và phần nước pha cùng mắm là bí quyết riêng cho hương vị đặc trưng của nước mắm gừng quán ốc Đinh Liệt. Nước chấm ở đây đậm đà vừa miệng và được không ít người sành ăn đánh giá là ngon nhất nhì Hà Nội. Thực khách không chỉ chấm với ốc mà còn đưa lên miệng húp xì xụp một cách ngon lành. Nguyễn Văn Đạt (Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ: “Ăn ốc Đinh Liệt khoái nhất là món nước chấm và lần nào đi ăn cũng phải xin thêm bát nữa”.
Ốc rang me Hoàng Ngọc Phách
Quán ốc số 2 đường Hoàng Ngọc Phách (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) có bán rất nhiều món hải sản từ ốc, cua, ngao đến ghẹ, hàu, tôm sú, mực… với cách chế biến chủ yếu là nướng, xào và hấp. Món vừa ngon vừa rẻ, cuốn hút sinh viên tới thưởng thức nhiều nhất là ốc rang me với giá 30.000 đồng/đĩa.
Đĩa ốc rang me thơm ngon hấp dẫn.
Đĩa ốc rang me nghi ngút khói, bắt mắt với màu đỏ sếnh của nước sốt trộn đều cùng nhưng con ốc to béo, phả ra hương thơm nồng của gừng và sả, thực khách nhón tay lấy ốc cũng phải suýt soa vì nóng. Mút lớp bột ớt cay xè, nóng đến bỏng lưỡi ngoài vỏ ốc, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của đường, vị chua của me, sả chát và hương thơm của gừng như “tan chảy” trong miệng. Nước sốt của ốc rang me Hoàng Ngọc Phách được pha chế vừa phải, có sự hòa quyện tuyệt đối với nhau và tạo thành hương vị đặc trưng riêng của quán. Chú Phi Hùng, chủ quán cho biết: “Để pha chế được nước sốt ngon không những đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo mà cần phải có bí quyết riêng và không phải quán nào cũng chế biến được nước sốt me ngon làm hài lòng người ăn”.
Hàn Thị Ngọc Hảo, Học viện Báo chí - Tuyên truyền chia sẻ: “Thích ốc rang me Hoàng Ngọc Phách từ lần ăn đầu tiên, thích cái vị chua cay mặn ngọt hòa quyện của nước sốt, đặc biệt là vị ngọt thanh đạm đặc trưng của ốc vẫn giữ được dù nước sốt có cay đến thế nào”.
Ốc nướng có hương thơm hấp dẫn của món nướng và giữ được trọn vẹn vị ngọt thanh đạm của ốc.
Quán ốc số 2 Hoàng Ngọc Phách còn có các món ốc nướng thơm ngon từ ốc gai, ốc sư tử, ốc hương bông. Ốc nướng chín vừa đủ, vừa có hương thơm hấp dẫn của món nướng vừa có hương của nước sốt chết biến từ bơ, mắm, sả, ớt hòa quyện, đặc biệt là giữ được trọn vẹn vị ngọt của ốc.
Ốc xào dừa Lương Định Của
Trên phố Lương Định Của (quận Đống Đa, Hà Nội) có quán Hưng Ốc đã khá nổi tiếng và là điểm đến của không ít giới trẻ Hà Thành thích ăn ốc, nhất là món ốc xào dừa bởi Hà Nội hiện không có nhiều quán bày bán món ốc này.
Nước cốt dừa thơm ngọt, miếng dừa béo ngậy, thịt ốc giòn dai hòa quyện với hương ớt, sả, gừng ấm nóng.
Ốc xào dừa Hưng Quán ngon vì hòa quyện được vị ngọt của nước dừa, vị béo ngậy của dừa cùng vị thanh đạm của ốc, ớt cay và gừng ấm nóng. Nhai miếng ốc giòn dai và ngọt trong miệng, thêm một miếng dừa thơm ngậy, bùi bùi trộn lẫn với vị cay của ớt, thực khách sẽ có một cảm giác thích thú và sảng khoải khó tả giữa tiết trời se lạnh của Hà Nội hiện nay.
Cay cay ốc xào sả ớt Hàng Bông
Ốc xào sả ớt đã trở thành món “ăn chơi” yêu thích của giới trẻ Hà Thành sau món ốc luộc. Trước đây, quán Ốc Cay hồ Giảng Võ được nhiều bạn trẻ đánh giá là quán có món ốc xào sả ớt ngon nhất nhì Hà Nội, nhưng theo thời gian, hương vị thơm ngon xưa đã không còn và khiến không ít thực khách thất vọng. Quán ốc nằm trên ngã tư hàng Bông - hàng Da dần trở thành điểm đến mới cho những người thích ăn ốc xào sả ớt. Sả, gừng, ớt được phi thơm rồi mới đổ ốc vào nên hương thơm ngạt ngào là điểm cuốn hút đầu tiên của món ốc xào sả ớt nơi đây.
Thực khách nhón tay mút mút vỏ ốc, nhấn nhá vị cay ngọt tan dần trong miệng rồi mới khều từng ruột ốc to béo.
Ốc xào sả ớt ngon là phải kết hợp hài hòa, vừa đủ các gia vị và nguyên liệu sả, ớt, gừng… Nhưng ngoài những nguyên liệu cơ bản đó, phải bỏ thêm cái gì để được thơm ngon hơn các quán khác lại là bí quyết riêng của mỗi chủ quán. Món ốc xào sả ớt hàng Bông được chế biến đậm đà vừa miệng. Thực khách nhón tay mút mút vỏ ốc, nhấn nhá vị cay ngọt tan dần trong miệng rồi mới khều từng ruột ốc to béo, nếu thích ăn mặn có thể chấm với nước mắm thơm ngon đã được pha chế.
Mỗi loại ốc, món ốc lại có vị ngon khác nhau và tùy vào cách chế biến của mỗi quán mà làm nên thương hiệu và nét đặc trưng riêng để cuốn hút thực khách. Những thực khách sành ăn, nhất là những người “nghiền” ốc thật khó để từ chối việc việc thưởng thức, lai rai các quán ốc ngon của Hà Nội.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCpenney Printable Coupons